KỸ THUẬT THI CÔNG LƯỚI MẮT CÁO CHỐNG NỨT TƯỜNG HIỆU QUẢ

Hiện nay ngoài việc đáp ứng vẻ thẩm mỹ về thiết kế bên ngoài thì chất lượng ngôi nhà theo thời gian sẽ là điểm cốt lõi mà nhiều chủ đầu tư đề ra đầu tiên. Làm sao để ngôi nhà luôn giữ được vẻ đẹp như ban đầu, không xuất hiện những vết nứt tường gây mất thẩm mỹ sẽ là bài toán đề ra cho đơn vị thi công và chủ đầu tư.

Hôm nay, ADI DESIGN VIỆT NAM sẽ giới thiệu đến các bạn, quý khách hàng kỹ thuật thi công lưới mắt cáo - công tác cực kỳ quan trọng để ngôi nhà luôn vững chắc, mang đến tính năng bảo vệ ngôi nhà vượt trội.

Lưới mắt cáo là gì ?

Lưới mắt cáo là một loại thép xây dựng có độ bền tốt, độ đàn hồi cao, sợi lưới được dập hình thoi kéo dài thành những tấm lưới từ 1m x 5m. Đây là một trong những loại lưới phổ biến được ưu tiên sử dụng trong công tác tô tường của ngành xây dựng.

Với tính năng ưu việt và linh hoạt loại lưới này có tác dụng chính là tránh làm rạn, làm nứt tường, các chi tiết sàn và cột trong công trình nhà phố. Tuy nhiên, trong công tác xây thô để giảm trừ kinh phí thì nhiều nhà đầu tư lại lựa chọn cắt giảm sử dụng khiến vài công trình khi chịu tác động từ ngoại lực bên ngoài thì không có được sự bền bỉ và chắc chắn xuất hiện tình trạng nứt tường chân chim.

Ưu điểm của lưới mắt cáo

– Có tác dụng làm tăng tính bền chắc cho công trình, chống rạn, chống nứt làm tăng tính bền vững, tính thẩm mỹ cho công trình.

– Có độ cứng và đàn hồi hồi chắc chắn, lưới có khả năng chống trượt và chống chịu được các lực mạnh tác động mạnh của ngoại lực từ bên ngoài

– Khả năng chịu lực và thoáng khí tuyệt vời

– Khó bị gỉ sét giúp kéo dài tuổi thọ cho các công trình

– Dễ dàng vận chuyển và sử dụng nhờ khối lượng nhỏ gọn

Tại sao phải dùng lưới mắt cáo tô tường

Trong quá trình thi công của các dự án sẽ có rất nhiều vị trí cong, gấp khúc, góc vuông, cầu thang… các điểm tiếp giáp giữa cột và tường, mép cửa, vết cắt của các đường dây điện âm hay mối nối giữa các tường với nhau.

Những vị trí này sẽ dễ bị rạn nứt sau khoảng thời gian dài thi công hoàn thiện vì khả năng liên kết của trát hồ là rất thấp hoặc lý do ảnh hưởng từ những công tác đục tường gạch đi điện âm tường lúc đầu. Đây thường sẽ là những nguyên nhân chính dẫn đến nứt tường chân chim của ngôi nhà. 

– Nếu các vị trí bên trên xuất hiện tình trạng rạn nứt sau thi công thì rất khó để khắc phục và tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể sửa chữa.

– Nên chú ý không được bỏ qua, hay lơ là công tác thi công lướt mắc cáo tô tường vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình về sau.

– Công tác này tuy tốn chi phí thêm nhưng sẽ đảm bảo an toàn và độ thẩm mỹ của ngôi nhà.

Việc dùng lưới mắt cáo xây tô đặc biệt thích hợp để tăng tính liên kết giữa gạch với xi măng hoặc các vị trí liên kết các cột bê tông với tường để tránh rạn nứt. Lưới mắt cáo như một lớp bảo vệ giúp lớp hồ dầu khi mới thi công giữ được tính ổn định không bị dịch chuyển quá nhiều tránh tạo ra các khoảng hở bên trong, nguyên nhân chính gây nứt tường sau này.

Quy cách của lưới mắt cáo tô tường

– Thành phần chính để sản xuất lưới mắt cáo là thép không gỉ, hợp kim nhôm, niken, các kim loại khác.

– Kích thước của khổ lưới là 1m.

– Chiều dài của mỗi cuộn lưới thông thường là từ 3m đến 5m.

– Trọng lượng lưới mắt cáo tô tường thường nhỏ nhất là 1.5 kg mỗi cuộn. Trọng lương này phụ thuộc vào phần lớn vào hai yếu tố: kích thước của khổ lưới tô tường và độ dày của mỗi ô lưới.

Các rủi ro từ việc tường tô không đúng kỹ thuật

– Tường bị nứt xé, nứt chân chim, các đường nứt chạy dọc bức tường gây mất thẩm mỹ

– Tường nứt dễ dàng bị thấm nước mưa từ ngoài vào

Quy trình thi công lưới mắt cáo tô tường 

Thực hiện thi công lưới mắt cáo tô tường là công đoạn chủ đầu tư nên lựa chọn thi công. Một ngôi nhà bền vững thì chắc chắn những công đoạn xây dựng càng chi tiết, kỹ càng sẽ hoàn toàn mang lại hiệu quả cao. Quy trình thi công lưới mắt cáo đúng chuẩn phải đảm bảo thực hiện chính xác những công đoạn và các bước dưới đây:

Bước 1: Sau khi tường gạch được xây hoàn thiện, cần phải kiểm tra bề mặt có bị gồ ghề hay không, đục bỏ những vị trí bê tông bị dư để bề mặt được tương đối bằng phẳng. 

Bước 2: Xác định các vị trí giữa tường xây và cột, tường và dầm, vị trí lắp đường ống điện âm tường

Bước 3: Tiến hành lắp đặt trải lưới giữa các vị trí liên kết giữa cột và tường xây, dùng đinh và vít khoan cố định tấm thép trên sàn và tường xây

Bước 4: Tiến hành tô một lớp hồ dầu (xi măng nguyên chất) thật mỏng lên khu vực đã đặt lưới mắt cáo để tăng thêm độ bám dính của hệ vữa và lưới.

Bước 5: Thi công tô trát tường như bình thường, lưu ý không để bề mặt lưới bị trồi ra bên ngoài

Thi công tỉ mỉ qua từng công đoạn khác nhau sẽ đảm bảo kết cấu bên trong của mẫu nhà được bền bỉ và chắc chắn. Từ những công đoạn tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu bỏ qua hoặc áp dụng thi công chưa đúng kỹ thuật sẽ không thể nào tạo nên một bức tường cứng cáp, thẩm mỹ cho tổng thể ngôi nhà.

Hy vọng với bài chia sẻ trên ADI DESIGN VIỆT NAM sẽ giúp chủ đầu tư có được một cách nhìn bao quát hơn trong quá trình thi công nhà. Các công tác dù lớn, dù nhỏ, chắc chắn cũng sẽ đóng vai trò đặc biệt giúp cho chất lượng và công năng của ngôi nhà được hoàn hảo và bền vững. 

Bình luận

Top